Chuyên gia: Mọi giao dịch nhà đất phải qua sàn chỉ làm đội thêm giá1

Ngày đăng: 16:51 PM, 24/07/2023 - Lượt xem: 239

Giao dịch nhà đất phải qua sàn không làm tăng tính minh bạch cho thị trường như kỳ vọng, ngược lại có thể đội giá, tăng thủ tục, theo chuyên gia.

Giao dịch nhà đất phải qua sàn không làm tăng tính minh bạch cho thị trường như kỳ vọng, ngược lại có thể đội giá, tăng thủ tục, theo chuyên gia.

Đề xuất bắt buộc các giao dịch bất động sản đều phải qua sàn (trừ chuyển nhượng cho người có quan hệ huyết thống) được nhiều luật sư đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất Động sản chiều 14/2. Mục đích nhằm kiểm soát được giá và tăng tính minh bạch cho thị trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia am hiểu bất động sản cho rằng đề xuất trên không cần thiết. Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, chỉ những sản phẩm dự án hình thành trong tương lai, chưa có sổ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu công trình trên đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà) mới nên khuyến khích giao dịch qua sàn để giảm rủi ro pháp lý cho người mua. Còn với giao dịch đã có sổ đỏ, sổ hồng, không cần bắt buộc vì tính pháp lý đã được xác nhận hoàn chỉnh.

"Không thể lấy lý do trốn thuế mà buộc mọi giao dịch qua sàn vì có 3 đơn vị kiểm soát việc này là phòng công chứng, cơ quan thuế, cơ quan đăng bộ. Chỉ cần nhanh chóng số hóa dữ liệu, mọi giao dịch đều được cập nhật tính pháp lý về sang tên, giá trị giao dịch công khai, minh bạch", ông Quang nói.

Ông cho biết thêm, đề xuất trên cũng không giúp kiểm soát giá tài sản do sàn chỉ là trung gian, ngược lại còn làm đội giá. Các chi phí phát sinh khi giao dịch qua sàn phổ biến ở mức 2% giá trị tài sản nếu là hàng dễ bán và mức phí môi giới lên đến 4-5%, có trường hợp vượt ngưỡng này với tài sản khó bán, kén khách. Đây là chi phí bên bán cộng vào giá thành, người mua phải chịu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư Vấn Nam Phát cho rằng giá cả do các tổ chức (doanh nghiệp), cá nhân (người mua và bán) tự quyết định. Nếu muốn tăng công cụ giám sát giá, chỉ nên quy định giao dịch nhà đất thanh toán qua ngân hàng.

Cũng theo ông Nam, sàn giao dịch bất động sản có các chức năng chính: môi giới, định giá tài sản, tư vấn, quản lý và đầu tư, quảng bá. Các chức năng này giúp kết nối, tìm kiếm sản phẩm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng tất cả chức năng trên, người bán sẽ phải trả nhiều chi phí tăng thêm. Hiện nay đa phần các giao dịch qua sàn chỉ sử dụng riêng lẻ từng phần và phổ biến là dùng vào việc môi giới. Tư vấn, thẩm định giá ít được sử dụng với khách hàng cá nhân, còn tổ chức được dùng khi mua vào sản phẩm, góp vốn, cho vay hay làm tài sản thế chấp.

Quan sát thực tiễn, ông Nam cũng cho biết các sàn giao dịch hiện chỉ tập trung nhiều tại các đô thị phát triển vì có lượng giao dịch lớn, tìm hiểu kiểm tra thông tin sản phẩm tương đối dễ, nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu. Trong khi các vùng dân cư thưa vắng sẽ khó có được các điều kiện trên. Vì vậy, đề xuất buộc mọi giao dịch nhà đất phải qua sàn thời điểm này không khả thi do hệ thống sàn không phủ rộng khắp, chất lượng chưa đồng đều, sẽ gây khó khăn cho người dân muốn bán tài sản.

Theo chủ tịch một công ty dịch vụ bất động sản có 600 nhân viên sale tại TP HCM, chỉ khi nào cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chất lượng hoạt động và trách nhiệm của các sàn một cách bài bản mới tính đến chuyện bắt buộc.

Chuyên gia này cho rằng vai trò góp phần minh bạch thị trường của sàn chỉ thật sự được tin cậy khi các chế tài, giám sát quá trình hoạt động và trách nhiệm của môi giới phải đủ tính răn đe. Bởi hiện nay, lực lượng môi giới đang hành nghề trên thị trường trừ số ít hoạt động tại các doanh nghiệp được tổ chức và đào tạo bài bản, nhiều cò đất chưa đạt tiêu chuẩn. Mặt bằng chung về trình độ và chất lượng các sàn cũng như đội ngũ môi giới địa ốc hiện còn chênh lệch, "sàn nghiêm túc thì ít, yếu kém còn nhiều".

Thật ra quy định tổ chức, cá nhân khi bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản phải qua sàn từng được nêu tại Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Sau đó quy định này được bỏ khi sửa đổi luật năm 2014 trong bối cảnh vai trò của sàn khá mờ nhạt, mọc lên như nấm lúc địa ốc nóng sốt và đóng cửa hàng loạt khi thị trường đóng băng.

Trong dự thảo mới nhất của Luật Kinh doanh Bất động sản đang lấy ý kiến cũng có quy định hai loại giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, gồm: chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình xây dựng hình thành trong tương lai; và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Các giao dịch khác được khuyến khích thông qua sàn.

Mội giới bất động sản chào bán dự án căn hộ tại sàn địa ốc thuộc khu Đông TP HCM. Ảnh: Hải Khoa

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết nhiều doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định hiện hành, tức trao quyền quyết định cho nhà đầu tư nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động kinh doanh địa ốc.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nêu quan điểm, bắt buộc giao dịch qua sàn không quan trọng bằng việc có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm, thẩm định tài sản cho khách hàng. Người mua nhà đất đa phần không đủ năng lực tự thẩm tra các dự án, trong khi đây là tài sản giá trị tích cóp cả đời.

Theo ông, về nguyên tắc, khi giao dịch qua sàn, các thông tin về dự án, chủ đầu tư sẽ được công bố tập trung, rõ ràng trên hệ thống. Trên lý thuyết, các sàn phải có trách nhiệm thẩm định, thông tin dự án phải đủ điều kiện mới được công bố. Trong bối cảnh thị trường mông lung, thông tin không ai kiểm chứng thì giao dịch qua sàn góp phần giảm rủi ro cho khách hàng.

Nhưng thực tế, các quy định hiện nay về các sàn giao dịch bất động sản vẫn chưa cụ thể, chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của sàn và chưa được luật hóa chặt chẽ. Do đó, ông đề xuất trước tiên nên quy định sàn là một tổ chức kinh doanh có điều kiện, hoạt động phải đảm bảo năng lực, trình độ, có chức năng thực thi bảo vệ quyền lợi của khách hàng. "Nếu quy định rõ, sàn địa ốc sẽ có vai trò và trách nhiệm cụ thể, ngăn những dự án phạm luật đến tay người tiêu dùng", ông khẳng định.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2022, có hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động.

Bất động sản Từ Sơn hưởng lợi từ quy hoạch vùng thủ đô

Bất động sản Từ Sơn hưởng lợi từ quy hoạch vùng thủ đô

16:51 PM, 24/07/2023
Sở hữu vị trí cửa ngõ Đông Bắc Hà Nội, cách trung tâm thủ đô 12 km, thành phố Từ Sơn là cầu nối giao thương với các địa phương vùng kinh tế Bắc Bộ. Các chuyên gia cho rằng, ngoài sở hữu lợi thế là thủ phủ công nghiệp, đề án mở rộng không gian vùng thủ đô giúp Từ Sơn hoàn thiện hạ tầng
Tiềm năng đầu tư bất động sản tại quần thể 1.200 ha của Vinhomes

Tiềm năng đầu tư bất động sản tại quần thể 1.200 ha của Vinhomes

16:51 PM, 24/07/2023
Quần thể đô thị biển quy mô 1.200 ha của Vinhomes ở phía Đông Hà Nội được nhà đầu tư chọn lựa với kỳ vọng gia tăng lợi nhuận trong tương lai.
NAI Global khai trương văn phòng tại Việt Nam

NAI Global khai trương văn phòng tại Việt Nam

16:51 PM, 24/07/2023
NAI Vietnam cung cấp dịch vụ tham vấn chiến lược, tư vấn các dịch vụ liên quan bất động sản cho chủ đầu tư, chủ sở hữu và khách hàng.
Tín hiệu dòng vốn ngoại vào Việt Nam năm nay

Tín hiệu dòng vốn ngoại vào Việt Nam năm nay

17:55 PM, 24/07/2023
Đầu tiên là kênh trực tiếp. Năm ngoái, tổng vốn FDI giải ngân tại Việt Nam đạt 22,4 tỷ USD (tăng 13,5%). Con số này chiếm đến 34% vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện (gần 1,6 triệu tỷ đồng, tương đương 66,5 tỷ USD) và chiếm 9,5% GDP. Nhiều năm qua, khu vực FDI đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động xuất